Thứ Bảy, ngày 23 tháng 9 năm 2023

Cổng thông tin điện tử

Công nghiệp hỗ trợ

Xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vươn lên vị trí số 1
Thứ Sáu_30/6/2023 Chuyên mục: Điện tử

Vị trí trên bảng xếp hàng các nhóm hàng xuất khẩu top đầu đã có sự thay đổi sau chặng đường gần 6 tháng đầu năm. Suốt nhiều năm liền là ngành hàng xuất khẩu đóng góp kim ngạch lớn nhất, tính đến 15/6/2023, điện thoại-linh kiện đã phải nhường ngôi vương này cho mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện có tăng trưởng khá (mặc dù tốc độ tăng chậm lại so với năm 2021) và chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Tuy nhiên, kết quả cho thấy những tháng đầu năm 2023 đã có sự thay đổi rõ rệt.

Cũng theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2023 đến 15 tháng 6 năm 2023, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,94 tỷ USD; trong khi đó điện thoại và linh kiện chỉ đạt 21,93 tỷ USD.

So với 1 năm trước đây, cả 2 nhóm hàng đều có kim ngạch sụt giảm hàng tỷ USD, tuy nhiên, điện thoại giảm sâu hơn nên không còn giữ được vị trí số 1 về xuất khẩu. Cụ thể, điện thoại và linh kiện giảm 5,11 tỷ USD, tương ứng giảm 18,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,74 tỷ USD, tương ứng giảm 7%...

Các thị trường chính mà Việt Nam xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và điện thoại-linh kiện, cả 2 nhóm đều có các thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Từ đầu năm đến hết 15/6, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 148,87 tỷ USD, giảm 12% tương ứng giảm 20,34 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2023, xuất khẩu đối với điện thoại, máy tính vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng do nhu cầu thông tin liên lạc và làm việc từ xa vẫn lớn. Dự báo, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm 2023.

Là nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ khi thương mại toàn cầu chậm lại. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chưa tìm được đơn hàng mới bởi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ, EU, Nhật Bản… xuống thấp, nên phải sản xuất cầm chừng, gắng gượng giữ lao động, chờ khi thị trường ấm lên.

Xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, gián tiếp thúc đẩy phát triển ngành liên quan, nâng cao trình độ lao động, nâng cao trình độ sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Tăng trưởng kim ngạch trong xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện đã bổ sung nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập đã được thể hiện rõ ràng hơn, các thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam đều đạt mức tăng rất cao.

Dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ tăng tỷ trọng xuất khẩu điện tử máy tính toàn cầu lên gần 4%. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tận dụng tối đa sự bùng nổ trên toàn cầu về nhu cầu máy tính, thiết bị điện tử khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng trên 10%. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột giữ Nga và Ucraina.​


VĂN BẢN PHÁP LUẬT

ĐỐI TÁC