
Đặc biệt, trong tháng 3/2023 xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt trên 4,22 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng 2/2023 nhưng giảm 35,5% so với tháng 3/2022.
Việt Nam xuất khẩu điện thoại và linh kiện nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc trong quý I/2023, đạt 3,52 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 26,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện các loại của cả nước; trong đó riêng tháng 3/2023 đạt 941,32 triệu USD, tăng 5,8% so với tháng 2/2023 nhưng giảm mạnh 35,6% so với tháng 3/2022.
Thị trường lớn thứ 2 là Mỹ đạt trên 2,34 tỷ USD, giảm 21,2%, chiếm 17,5%; riêng tháng 3/2023 giảm 25,8% so với tháng 2/2023 và giảm 44% so với tháng 3/2022, đạt 719,02 triệu USD.
Tiếp đến thị trường Hàn Quốc đạt 855,04 triệu USD, chiếm tỷ trọng 6,4%, giảm 42,4% so với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu sang thị trường U.A.E đạt 578,1 triệu USD, giảm 31%; thị trường Áo đạt 551,06 triệu USD, giảm 3,7%. Riêng xuất khẩu sang thị trường EU 27 nước đạt 2,04 tỷ USD tăng 14,1 % so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong Quý 1 năm 2023, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác có tổng giá trị xuất khẩu đạt 9,85 tỷ USD giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang hầu hết các thị trường trọng điểm trong 3 tháng đầu năm 2023 sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, hàng điện thoại và linh kiện các loại của Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỉ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp.
Sự sụt giảm của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu trong quý đầu tiên của năm 2023 nằm trong dự đoán của các chuyên gia trong ngành. Các điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn đã tiếp tục cản trở hoạt động đầu tư và hoạt động của các nhà cung cấp tại nhiều thị trường lớn.
Ngoài ra, nhu cầu suy giảm của người dùng cuối đã gây ra sự biến động lượng hàng tồn kho trong toàn bộ chuỗi cung ứng, với các kênh bán hàng đã giảm lượng hàng tồn kho để đảm bảo hoạt động, qua đó gây ra tác động tiêu cực đến hiệu suất hoạt động của chuỗi cung ứng linh kiện.
Để hoạt động xuất khẩu của hàng điện thoại và linh kiện các loại phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, cần sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam;
Thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường vai trò, hiệu quả của các cơ quan đại diện thương mại, của các hiệp hội ngành nghề trong xúc tiến thương mại; tìm kiếm cơ hội kinh doanh và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền và ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện có hiệu quả, tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết...