Hiện năng lực của các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ. Mặc dù có một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi như điện thoại BPhone, Vsmart, Viettel... tuy nhiên thị trường điện - điện tử dân dụng trong nước chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.
Ngoài ra tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường cũng như của các doanh nghiệp FDI. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, kim ngạch xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử trong tháng 8/2021 ước đạt trên 4,24 tỷ USD, tăng 14,84% so với tháng trước và 0,98% so tháng 8/2020. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử đạt 31,79 tỷ USD, tăng 14,78% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm trên 14,89% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta.
Trong tháng 8/2021 xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử của các doanh nghiệp FDI đạt trên 4,15 tỷ USD, tăng 15,47% so với tháng trước và 2,57% so với tháng 8/2020 và chiếm trên 98,05% tổng kim ngạch xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử của nước ta. Lũy kế hết 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử của khối doanh nghiệp FDI đạt trên 31,16 tỷ USD, tăng 16,63% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 98,01% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.
Cải thiện nâng cao chất lượng trang thiết bị để ngành điện tử Việt tham tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Thị trường xuất khẩu
Trong tháng 8/2021, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,31 tỷ USD, tăng 30,27% so với tháng trước và tăng 32,23% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc là thị trường đứng thứ hai với kim ngạch xuất khẩu đạt 740,66 triệu USD, tăng 12,59% so với tháng trước và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường Hồng Công (Trung Quốc) đạt 517,61 triệu USD, tăng 13,77% so với tháng trước và tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2020...
Tính đến hết 8 tháng đầu năm 2021 kim ngạch các thị trường chính xuất khẩu mặt hàng này gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Hồng Kông, Hàn Quốc, Asean. Xuất khẩu sang 6 thị trường đứng đầu đã chiếm trên 83,13% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng xuất khẩu sụt giảm nhưng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chủ lực như linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử vẫn tăng rất mạnh.
Trong khi nhiều ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 thì lĩnh vực sản xuất điện tử vẫn tăng trưởng khá. Điều này thể hiện ở cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo trong thời gian tới, ngành sản xuất điện tử vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường trên thế giới.
Bảng 1: Thị trường xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử của Việt Nam tháng 8/2021
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Về chủng loại
Về chủng loại xuất khẩu, trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 các chủng loại máy tính và linh kiện điện tử xuất khẩu đạt kim ngạch cao gồm có: Bộ vi xử lý, Màn hình các loại và linh kiện, Bộ nhớ, Đi ốt - thiết bị bán dẫn, Máy tính xách tay, máy tính bảng…
Những chủng loại có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất so với tháng trước là: Camera / máy ảnh và linh kiện, Thiết bị chuyển đổi tín hiệu, Máy tính xách tay, máy tính bảng, Máy in, máy photocopy và LK…
Bảng 2: Tham khảo một số chủng loại mặt hàng máy tính và linh kiện điện tử xuất khẩu trong tháng 8/2021
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Tác giả: Ban Biên tập tổng hợp