
Ảnh: EVFTA thúc đẩy xuất khẩu máy móc thiết bị sang EU
EU hiện là thị trường xuất khẩu máy móc thiết bị lớn nhất của nước ta. Trong giai đoạn 2010-2021, xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam sang thị trường EU liên tục tăng trưởng với mức trung bình 26,5%/năm (chỉ riêng năm 2021 giảm 16,24% do ảnh hưởng của Covid-19). Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất trong hai năm 2011 (tăng 70,96%) và 2017 (tăng 45,68%).
Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị sang thị trường này cũng tăng mạnh từ mức 7,95% trong năm 2010 tăng lên mức 13,71% trong năm 2019.
Trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam sang EU đạt hơn 4,05 tỷ USD, tăng 46,83% so với cùng kỳ năm 2021; chiếm tỷ trọng tới 10,62% trong tổng xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước. Ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị sang thị trường này cả năm 2022 đạt 4,86 tỷ USD, tăng mạnh 76,2% so với năm 2021.
Biểu đồ 01: Kim ngạch và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu máy móc thiết bị sang EU giai đoạn 2010- 2022 (ĐVT: triệu USD)

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan
Bảng 01: Kim ngạch và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam sang EU giai đoạn 2010-2021 và 10 tháng năm 2022
Năm | Kim ngạch XK máy móc thiết bị (triệu USD) | | Tăng trưởng (%) | | Tỷ trọng XK sang EU/cả nước (%) |
| Cả nước | EU | Cả nước | EU | |
2010 | 3.066,29 | 243,74 | 48,90 | | 7,95 |
2011 | 4.365,62 | 416,71 | 42,37 | 70,96 | 9,55 |
2012 | 5.535,71 | 577,77 | 26,80 | 38,65 | 10,44 |
2013 | 6.024,20 | 699,56 | 8,82 | 21,08 | 11,61 |
2014 | 7.315,19 | 830,74 | 21,43 | 18,75 | 11,36 |
2015 | 8.159,58 | 897,16 | 11,54 | 8,00 | 11,00 |
2016 | 10.112,69 | 1.158,98 | 23,94 | 29,18 | 11,46 |
2017 | 12.913,03 | 1.688,41 | 27,70 | 45,68 | 13,08 |
2018 | 16.358,78 | 2.063,85 | 26,70 | 22,24 | 12,62 |
2019 | 18.301,92 | 2.509,48 | 11,90 | 21,59 | 13,71 |
2020 | 27.193,10 | 3.296,32 | 48,58 | 31,35 | 12,12 |
2021 | 38.344,35 | 2.760,86 | 41,01 | -16,24 | 7,20 |
10T/2022 | 38.168,48 | 4.053,78 | 17,44 | 46,83 | 10,62 |
Ước N2022* | 45.802,18 | 4.864,54 | 19,45 | 76,2 | 10,62 |
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan
Biểu đồ 02: Kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam sang thị trường EU qua các tháng của giai đoạn 2020-2022 (ĐVT: triệu USD)
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan
Trong khối thị trường này, Hà Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất máy móc thiết bị của nước ta đạt hơn 1,63 tỷ USD trong 10 tháng năm 2022, tăng mạnh 61,99% so với cùng kỳ năm 2021; chiếm 34,62% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị sang EU và chiếm 4,28% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước.
Đức là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch 10 tháng đạt hơn 1,34 tỷ USD, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm trước; chiếm 28,49% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị sang EU và chiếm 3,52% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước.
Tiếp đến là các thị trường Italy chiếm tỷ trọng 7,79%; Séc chiếm 5,08%; Ba Lan chiếm 4,37%; Áo chiếm 4,01%; Tây Ban Nha chiếm 3,51%; Pháp chiếm 3,34%; Bỉ chiếm 3,32%; Romania chiếm 2,26%... tổng trị giá xuất khẩu máy móc thiết bị sang EU.
Đáng chú ý, bên cạnh Hà Lan và Đức xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam sang Romania, Italy, Séc, Pháp, Bỉ, Đan Mạch cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung tỷ trọng xuất khẩu sang đa số các thị trường đều tăng so với cùng kỳ các năm trước.
Bảng 02: Tình hình xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam sang các thị trường trong khối EU trong 10 tháng năm 2022
Thị trường xuất khẩu | 10 tháng 2022 (triệu USD) | So với 10T/2021 (%) | Tỷ trọng 10T/2022 (%) | Tỷ trọng 10T/2021 (%) | Ước năm 2022* (triệu USD) |
Tổng | 38.168,48 | 27,65 | 100,00 | 100,00 | 45.802,18 |
EU-27 | 4.720,51 | 42,99 | 12,37 | 11,04 | 5.664,61 |
Hà Lan | 1.634,43 | 61,99 | 4,28 | 3,37 | 1.961,32 |
Đức | 1.344,67 | 32,50 | 3,52 | 3,39 | 1.613,60 |
Italy | 367,51 | 52,98 | 0,96 | 0,80 | 441,01 |
Séc | 239,95 | 57,79 | 0,63 | 0,51 | 287,94 |
Ba Lan | 206,20 | 21,63 | 0,54 | 0,57 | 247,44 |
Áo | 189,51 | 6,08 | 0,50 | 0,60 | 227,41 |
Tây Ban Nha | 165,56 | 11,21 | 0,43 | 0,50 | 198,67 |
Pháp | 157,88 | 59,48 | 0,41 | 0,33 | 189,46 |
Bỉ | 156,82 | 57,14 | 0,41 | 0,33 | 188,18 |
Romania | 106,55 | 79,88 | 0,28 | 0,20 | 127,86 |
Thụy Điển | 63,65 | 13,16 | 0,17 | 0,19 | 76,38 |
Hungary | 56,02 | 29,26 | 0,15 | 0,14 | 67,22 |
Đan Mạch | 28,09 | 49,05 | 0,07 | 0,06 | 33,71 |
Phần Lan | 3,66 | -68,87 | 0,01 | 0,04 | 4,39 |
Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan
Mặc dù trong 2 năm vừa qua là khoảng thời gian mà kinh tế thế giới và Việt Nam phải đối mặt với những biến động chưa từng có, từ dịch bệnh COVID-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng, đến xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lực, lương thực… Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA đã góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi, và giúp quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hai năm đầu thực thi (8/2020-7/2022) đạt 83,4 tỷ USD (trung bình đạt 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019 trước đó). Tỉ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Hiệp định EVFTA đã góp phần đáng kể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Cụ thể, trong hai năm thực thi hiệp định, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU (như sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%...).
Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, trong thời gian tới, Nhà nước cần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép. Cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ thông tin thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu. Cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa về thông tin thương mại EU thông qua phát triển hệ thống thông tin thị trường, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và nghiên cứu.
Về phía doanh nghiệp, cần có sự chuẩn bị, hướng dẫn về lĩnh vực phòng vệ thương mại để có ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Các doanh nghiệp cơ khí trong nước cần chủ động chuẩn bị năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, quy định về phát thải khí… đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu sang EU bền vững...