Thứ Sáu, ngày 9 tháng 6 năm 2023

Cổng thông tin điện tử

Công nghiệp hỗ trợ

Dự báo, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2023
Thứ Tư_7/12/2022 Chuyên mục: Dệt may

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 45,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2021, tăng chậm lại so với tốc độ tăng hồi 9 tháng đầu năm. Dù vậy, kết quả xuất khẩu năm 2022 của ngành dệt may vẫn khả quan trong bối cảnh thị trường thế giới biến động mạnh, lạm phát toàn cầu tăng cao và căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu… Sang năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm.

Kết quả xuất khẩu năm 2022 là khả quan

Theo số liệu thống kê sơ bộ, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam ước đạt 45,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2021, tăng chậm lại so với mức tăng 17,42% trong 9 tháng đầu năm 2022. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam trong quý 4/2022 giảm, đã kéo đà tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2022 của ngành dệt may Việt Nam chậm lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu dệt may thế giới suy giảm và cạnh tranh trên thị trường cung ứng hàng dệt may toàn cầu gay gắt, kết quả xuất khẩu của Việt Nam vẫn tương đối khả quan.

Năm 2022, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam không những duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, ASEAN… thì xuất khẩu còn tăng trưởng mạnh ở những thị trường khác như Canada, Mexico, Australia… Trong khi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc chậm.

Xuất khẩu các chủng loại như áo Jacket, quần áo Vest, áo sơ mi… - các mặt hàng giảm trong giai đoạn Covid-19 đã tăng mạnh và hồi phục trở lại gần với giai đoạn trước dịch Covid-19.

pt 19.jpg

Ảnh: Minh họa

Dự báo xuất khẩu năm 2023

Kết quả xuất khẩu năm 2022 của ngành dệt may là khả quan trong bối cảnh thị trường thế giới biến động mạnh, lạm phát toàn cầu tăng cao và căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu… Sang năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm. Các yếu tố tác động đến xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam trong năm 2023 là:

+ Đơn hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam bị thiếu hụt ngay từ những tháng cuối năm 2022. Điều này thể hiện rõ qua diễn biến xuất khẩu hàng dệt và may mặc của cả nước giảm trong các tháng quý 4/2022.

+ Nhu cầu về hàng dệt may toàn cầu giảm. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao, chi tiêu của người tiêu dùng bị cắt giảm, hàng dệt may sẽ là một trong những mặt hàng đầu tiên nằm trong danh sách cắt giảm. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu dệt may toàn cầu năm 2023 chỉ tăng 0,7%; xuất khẩu quần áo toàn cầu chỉ tăng 0,9%; chậm lại nhiều so với mức 3,1% và 3,4% trong năm 2022 và thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng 7,8% và 21,9% trong năm 2021.

Bảng: Dự báo tăng trưởng thương mại dệt may toàn cầu 2023

NămGDP toàn cầuTổng thương mại toàn cầuXuất khẩu hàng dệt mayXuất khẩu quần áo
20215,826,57,821,9
2022*3,33,53,13,4
2023*2,11,00,70,9

(*): Số liệu ước tính

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Trademap, WTO

+ Giá trị gia tăng của ngành dệt may Việt Nam vẫn thấp, dù đã cải thiện. Trong những năm gần đây, mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt trên 40 tỷ USD, nhưng Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, năng suất lao động thấp hơn các nước trong khu vực và chỉ ở mức trung bình khá. 11 tháng năm 2022, nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may đạt 22,43 tỷ USD, bằng 49,96% tổng trị giá xuất khẩu toàn ngành (chi tiết xem bảng 11).

+ Dịch Covid-19 trên thị trường thế giới cơ bản đã được kiểm soát, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn. Hoạt động đi lại của người tiêu dùng trở lại như trước dịch. Tuy nhiên, tại thị trường Trung Quốc, dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường và chính quyền Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách "zero Covid", vẫn sử dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động giao thương trong và ngoài nước của Trung Quốc, có thể tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng hàng dệt may của Việt Nam.

+ Thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại các thị trường tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đang có dấu hiệu chững lại, khó mở rộng nhanh. 

10 tháng năm 2022, thị phần hàng may mặc của Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng nhẹ từ 18,17% lên 18,42% về trị giá và 15,35% lên 15,86% về khối lượng. Tương tự, thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại Nhật Bản đạt 11,89%, mở rộng nhẹ so với 11,4% của cùng kỳ năm 2021.

Song song với những thách thức từ các yếu tố khách quan, thì ngành dệt may Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn từ yếu kém nội tại của ngành như vấn đề lao động; các vấn đề liên quan đến các thủ tục hành chính, logistics, khả năng thiết kế sản phẩm…Mặc dù vậy, ngành dệt may Việt Nam vẫn có những điểm sáng tích cực, hỗ trợ đà tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023. Đó là:

+ Khả năng thích nghi, linh hoạt, của doanh nghiệp đã cải thiện và được thử nghiệm trong thời kỳ dịch Covid-19 vừa qua. Kết quả xuất khẩu trong 3 năm qua là minh chứng rõ ràng nhất, kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục vượt qua khó khăn trong những tháng đầu năm 2023.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, hàng dệt và may mặc của Việt Nam không những giữ được tốc độ tăng trưởng tại các thị trường lớn mà còn mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới nổi khác, đặc biệt là tại các thị trường có Hiệp định thương mại với Việt Nam.

Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam sang các thị trường Canada, Australia, Mexico, Ấn Độ, Bangladesh… đã tăng trưởng rất cao. Theo số liệu thống kê, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam sang thị trường Canada tăng 49% so với 10 tháng năm 2021 và tăng 66% so với 10 tháng năm 2019; tương tự xuất khẩu sang Australia tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 67% so với cùng kỳ 2019…

+ Doanh nghiệp sản xuất Việt Nam ngày càng tiệm cận gần hơn đến với những thay đổi của nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất xanh, bền vững.

+ Chính phủ, các cơ quan quản lý cũng rất quan tâm đến sự phát triển của ngành dệt may.

Dù còn khó khăn, nhưng những dấu hiệu khởi sắc trong năm 2023 vẫn rõ nét, dự báo, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam ước đạt 45-47 tỷ USD, nhờ duy trì đà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới, đặc biệt là các thị trường có FTA. Đáng chú ý, năm 2023 một số FTA sẽ về đích mức thuế suất bằng 0%, đây chính là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam. Ngoài ra, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam.


Tác giả: Ban biên tập tổng hợp
VĂN BẢN PHÁP LUẬT

ĐỐI TÁC