Trong các ngành được ưu tiên hỗ trợ, ngành điện tử - tin học – viễn thông là một trong mũi nhọn được quan tâm hàng đầu của tỉnh, vì đây là ngành công nghệ cao phục vụ cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nên về dài hạn phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành này là hết sức cần thiết. Mặc dù Điện tử – tin học – viễn thông là 3 lĩnh vực công nghiệp riêng biệt, nhưng theo quan điểm phát triển chuỗi liên kết, chúng lại có mối liên hệ hết sức chặt chẽ với nhau, có thể ưu tiên phát triển ở cả 3 bước công nghệ bao gồm: Công nghệ vật liệu mà chủ đạo là các vật liệu cho sản xuất các thiết bị điện – điện tử; công nghệ chế tạo phát triển sản xuất linh kiện điện tử, chi tiết nhựa; công nghệ lắp ráp cụm tập trung vào các khung vỏ sản phẩm, bảng mạch điện tử … Để phục vụ cho lộ trình phát triển trên, tỉnh cũng đã chủ trương xây dựng phát triển các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn, với 7 Khu công nghiệp (KCN) tập trung với diện tích hơn 2.000 ha, gồm: KCN Thụy Vân (TP Việt Trì); 2 KCN Trung Hà và Tam Nông (huyện Tam Nông); KCN Phú Hà (TX Phú Thọ); KCN Phù Ninh (huyện Phù Ninh); KCN Cẩm Khê (huyện Cẩm Khê); KCN Hạ Hòa (huyện Hạ Hòa). Ngoài ra, tỉnh còn có 2 Cụm công nghiệp (CCN) trọng điểm UBND tỉnh giao Ban quản lý các KCN quản lý với tổng diện tích là 120 ha, gồm: CCN Bạch Hạc và CCN Đồng Lạng. Các khu công nghiệp này có vị trí thuận lợi về giao thông cả đường bộ, đường sắt và đường thủy, có thể giao thương với các tỉnh Tây Bắc, Trung Quốc, thủ đô Hà nội và Cảng Hải Phòng.
Các dự án đầu tư vào KCN Thuế suất 17% trong thời gian 10 năm, miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Dự án thuộc danh mục công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, sau xây dựng cơ bản là 18 năm đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Với ưu thế là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm miền núi phía Bắc và là cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Đồng bằng sông Hồng, Phú Thọ đang trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư trong khu vực các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài mở ra nhiều tiềm năng về phát triển công nghiệp hỗ trợ tại đây.
Tác giả: Ban biên tập tổng hợp