Thứ Sáu, ngày 1 tháng 12 năm 2023

Cổng thông tin điện tử

Công nghiệp hỗ trợ

Vai trò nền tảng của cấp địa phương đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ
Chuyên mục: Tin hoạt động Sự kiện:

Mô hình “tam giác cân” hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu là một trong những chương trình hợp tác điển hình mang lại nhiều hiệu quả tích cực mà Bộ Công Thương đã triển khai.

Thực hiện hóa mục tiêu tại Nghị Quyết số 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia nhằm cải thiện chất lượng sản xuất, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo cũng như công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, các dự án thuộc khuôn khổ chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cần trợ lực lớn từ chính quyền địa phương để tạo đà cho doanh nghiệp. Đặc biệt các Chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương với Samsung Việt Nam cụ thể như: Chương trình tư vấn cải tiến sản xuất cho doanh nghiệp, Chương trình đào tạo nhân lực cho ngành khuôn mẫu, Chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, Chương trình đào tạo và hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh… 

Đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp bày tỏ: "Nếu không có các chính sách thiết thực, đủ quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp".

Thực tế cho thấy, ngoài yếu tố cố gắng của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ quyết liệt từ cơ quan Trung ương thì vai trò của các địa phương là rất quan trọng để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương chưa xây dựng các tiêu chí, các chương trình hành động cụ thể và chưa bố trí nguồn nhân lực phù hợp để triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp trên địa bàn; trong khi đó, đa số các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động của doanh nghiệp gắn chặt với địa phương.

Do đó, Bộ Công Thương kỳ vọng các địa phương trong thời gian sớm nhất sẽ chủ động nâng cao nhận thức, vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quốc gia thoát bẫy thu nhập trung bình. Đồng thời, khuyến khích các địa phương trong việc xây dựng các cơ chế chính sách đãi ngộ dành cho chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp nói chung.

Nhìn nhận các doanh nghiệp tham gia các dự án đã phát huy thế mạnh của mình, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp bày tỏ, mong các doanh nghiệp tham gia chương trình nhanh chóng có kế hoạch triển khai, phát huy hơn nữa tính hiệu quả mà chương trình mang lại, góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như các doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ tại các địa phương.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp FDI toàn cầu, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam - ông Choi Joo Ho cho rằng: "Dự án tư vấn cải tiến cho các doanh nghiệp Việt Nam là sự khẳng định cam kết cũng như những nỗ lực mạnh mẽ của Samsung nhằm đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam trong việc gia tăng tỉ lệ nội địa hóa và sự hiện diện của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng phụ kiện cho Samsung. Chúng tôi hy vọng rằng các địa phương sẽ cùng chung tay với Chính phủ, Bộ Công Thương và Samsung để dự án này được được lan tỏa tới toàn Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam"

Có thể nói, thiết lập quan hệ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp là một trong những định hướng triển khai bền vững của Bộ Công Thương để các địa phương có thể thực hiện đổi mới một cách hiệu quả, từ đó nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đưa các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.​


VĂN BẢN PHÁP LUẬT

ĐỐI TÁC