
Ông Liêm cho biết, Việt Nam đã đàm phán và ký kết thành công rất nhiều hiệp định thương mại tự do FTA với các đối tác trên toàn thế giới. Việc này đã mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam, giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất - nhập khẩu, giải quyết được vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đối với ngành cơ khí, ông Liêm cho rằng, trong thời gian tới, cơ hội cho ngành cơ khí là rất lớn. Thị trường dành cho máy móc thiết bị của Việt Nam dự kiến đến năm 2030 khoảng hơn 300 tỷ USD. Đánh giá tiềm năng và cơ hội cho ngành là rất lớn, tuy nhiên, với xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới yêu cầu Việt Nam phải cam kết về chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu và chuẩn mực quốc tế đưa ra. Vì vậy, nhằm thích nghi với việc thay đổi và cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm chúng ta cũng cần chú ý đến vấn đề nâng cao khả năng cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp công nghệ cao.
Nhìn một cách khách quan, hạn chế lớn nhất của ngành nhựa, cao su, cơ khí là do nhu cầu nội địa ít nên chi phí sản xuất sản phẩm cao, dẫn đến giá cả kém cạnh tranh. Mặc dù Việt Nam đã phát triển một số sản phẩm cơ khí tiêu biểu, có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, bao gồm: Máy móc thiết bị và phụ tùng, Cơ khí khuôn mẫu; Cơ khí công nghệ cao ,…tuy nhiên, các mẫu mã, tiêu chuẩn sản phẩm không đồng nhất; những ngành công nghiệp cơ bản về cơ khí, nguyên liệu, hóa chất… còn thiếu và yếu. Thêm nữa, các doanh nghiệp cũng chưa mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại với công suất lớn để thực hiện các đơn đặt hàng với số lượng nhiều nên chất lượng sản phẩm vẫn còn hạn chế, vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu dẫn đến giá thành sản phẩm vẫn cao.
Vì vậy, để ngành nhựa, cao su, cơ khí có thể tăng tốc phát triển trong thời gian tới nhiều đề xuất thiết thực đã được đưa ra tại Hội thảo, như: Thứ nhất, yêu cầu các Sở - Ban - Ngành nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp, luôn đồng hành với doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, cần tăng cường trao đổi thông tin, tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước và Hội ngành nghề, doanh nghiệp, doanh nhân để có hướng tháo gỡ, đề xuất hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp
Thứ ba, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu chung là xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện để đảm bảo hiệu quả trong thực thi.
Thứ tư, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh doanh nghiệp thành phố, doanh nhân Thành phố.
Tác giả: Ban biên tập tổng hợp
Tác giả: Ban Biên tập tổng hợp